Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

LỒNG RUỘT

LỒNG RUỘT
A. LỒNG RUỘT CẤP Ở TRẺ BÚ MẸ
I. ĐẠI CƯƠNG:

Lồng ruột là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa rất thường gặp ở trẻ em. Bệnh lý diễn biến do một đoạn ruột lộn lại và chui vào lòng của đoạn ruột kế cận.

Lồng ruột có thể gặp bất cứ ở lứa tuổi nào, nhưng gặp nhiều nhất là ở lứa tuôit 4-8 tháng.

Tài liệu thống kê nước ngoài: 65% bệnh nhân là dưới 1 tuổi.
Tài liệu thống kê trong nước con số này lên đến 95-97%.

Lồng ruột gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái (tỷ lệ 2/1 đến 3/1).

Bệnh gặp quanh năm nhưng nhiều nhất là mùa đông xuân, mùa có tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cao.

ít gặp ở trẻ suy dinh dưỡng, đa số gặp ở trẻ béo tốt, bụ bẫm.

Phân loại:
Theo nguyên nhân 
1. Lồng ruột nguyên phát 
Gặp ở trẻ bú mẹ. Có liên quan đến bệnh lý của đường hô hấp trên do loại Adenovirus. Loại virus này gây ra viêm hạch mạc treo ruột chủ yếu là đoạn hồi tràng và viêm hạch sẽ làm gia tăng nhu động ruột tạo điều kiện thuận lợi cho lồng ruột thường xảy ra ở đoạn hồi - manh tràng. Điều này giải thích được lồng ruột thường xảy ra cao điểm tùy theo mùa dịch của virus. 

2. Lồng ruột thứ phát 
Xảy ra trong khỏang 10% trường hợp. ở đây người ta tìm thấy một vài thương tổn thực thể gây ra lồng ruột như các loại u lành tính hoặc ác tính của ruột, các dị dạng ruột (ruột đôi, túi thừa Meckel...). 

3. Lồng ruột sau mổ 
Đây là một biến chứng sau phẫu thuật bụng ở trẻ em nhất là sau những phẫu thuật của cơ hoành hoặc những phẫu thuật thoát vị cơ hoành. 

Theo tiến triển 
Lồng ruột được chia thành 3 loại 
1. Lồng ruột cấp tính 
Xảy ra chủ yếu ở trẻ bú mẹ. Bệnh có diễn tiến nhanh và đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc ruột, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, nhiễm độc. Đây cũng là một trong những cấp cứu bụng thường gặp ở lứa tuổi bú mẹ. 

2. Lồng ruột bán cấp 
Xảy ra ở lứa tuổi trẻ lớn (3-15 tuổi). Diễn tiến chậm, ít khi gây ra các biến chứng tắc ruột và hoại tử ruột. 

3. Lồng ruột mạn 
Xảy ra ở người lớn hoặc người già. Tiến triển chậm, có khả năng tự khỏi và tái phát nhiều lần, thường do nguyên nhân các khối u của đại tràng. ít có nguy cơ hoại tử ruột. 

Vài nét lịch sử
-         Giữa thế kỷ XVII Paul Barbette đã mô tả bệnh lồng ruột và gợi ý mổ để tháo lồng.
-         Giữa thế kỷ XIX bệnh đã được biết rộng rãi với tỷ lệ tử vong rất cao.
-         Năm 1871 Jonathan Hutehinson đẫ mổ tháo lồng thành công trường hợp đầu tiên
-         1876 Hirschsprung báo cáo một loạt bệnh nhân được tháo lồng bằng áp lực nước.
-         Năm 1897 mổ cắt đoạn ruột đã được tiến hành thành công lần đầu tiên.
-         Năm 1913 Ladd đã sử dụng phương pháp chụp đại tràng có bơm thuốc cản quang như là một phương tiện để chẩn đoán.
-         Sau này các tác giả Mỹ, Pháp đã tháo lồng đồng thời báo cáo việc sử dụng phương pháp thụt chất cản quang như là một phương pháp điều trị lồng ruột.

II- BỆNH CĂN
Hiện nay nguyên nhân gây lồng ruột cấp tính ở trẻ em vẫn chưa được hiểu biết chắc chắn. Tuy nhiên vẫn có một số cách giải thích.
- Do sự mất cân đối nghiêm trọng giữa kích thước của hồi tràng và van hồi manh tràng, do đó lồng ruột dễ xuất hiện.

- Một số tác giả cho rằng viêm hạch của mạc treo có vai trò trong cơ chế của lồng ruột. Ở trẻ còn bú van Bauhin nhô vào trong lòng đại tràng, các nang bạch huyết phong phú, nhất là ở con trai. Các nang bạch huyết này khi viêm sưng sẽ cản trở nhu động của ruột non đang tăng lên do hạch bạch huyết bị viêm.


Hình 1: Valve Bauhin bình thường

- Viêm hạch bạch huyết mạc treo có liên quan tới nhiễm siêu vi trùng. Mùa xảy ra lồng ruột trùng với thời gian có tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cao nhất. Nhiều bệnh nhân lồng ruột đã có phản ứng huyết thanh dương tính với một số loại vi rút (Adenovirus) và người ta cũng tìm thấy những thành phần của Adenovirus trong niêm mạc của ruột thừa được cắt bỏ khi mổ lồng ruột.

- Có tác giả cho rằng vùng hồi- manh tràng là nơi giao tiếp của hai luồng sóng nhu động ngược chiều nhau, nhu động xuôi chiều của hồi tràng và nhu động ngược chiều của đại tràng phải về phía manh tràng.

III- GIẢI PHẪU BỆNH LÝ
Khối lồng bao gồm:
- Ống ngoài: (ruột “tiếp nhận” ).
- Ống giữa
- Ống trong: (ruột bị lồng).
- Đầu khối lồng (điểm xuống thấp nhất của đoạn ruột bị lồng).
- Cổ khối lồng (nơi xuất phát của lồng ruột).

Các loại lồng ruột đơn giản thường chỉ có kết hợp 3 lớp vỏ, những trường hợp phức tạp hơn khối lồng có thể đến 5 - 7 lớp áo. Các lớp này biểu hiện trên siêu âm bằng hình ảnh của nhiều vòng đồng tâm. 


Hình 2: Khối lồng ruột

Mạc treo ruột cùng với mạch máu bị cuốn vào trong lòng đoạn ruột dưới, bị thắt nghẹt lại ở cổ khối lồng => tĩnh mạch bị chèn ép => phù nề => các mạch máu càng bị chèn ép nặng hơn. Niêm mạc của đoạn ruột bị lồng nhanh chóng bị thương tổn và xuất hiện chảy máu.

Nếu điều trị không kịp thời khối lồng sẽ bị hoại tử. (2,5% hoại tử trước 48 giờ và 82% hoại tử sau 72 giờ).


Hình 3: Giải phẫu bệnh học lồng ruột: Currant jelly stools: phân có máu, đỏ sệt như mứt nho.

Lồng ruột chủ yếu xảy ra ở vùng hồi manh tràng (chiếm 90% các trường hợp) giữa đoạn ruột di động (hồi tràng) và đoạn ruột cố định (manh tràng và đại tràng lên). Các hình thái giải phẫu của lồng ruột được xác định bởi điểm khởi đầu của lồng ruột và vị trí ruột bị lồng vào.

- Lồng hồi - manh tràng và van Bauhin hiện diện dưới dạng đầu lồng là loại lồng ruột thường gặp nhất. Ruột thừa và manh tràng bị cuốn vào trong khối lồng. 

- Lồng ruột hồi-đại tràng: Điểm khởi đầu là đoạn cuối của hồi tràng, sau đó hồi tràng chui vào đại tràng nhiều hoặc ít, tuỳ trường hợp theo hướng về phía hậu môn. Van Bauhin vẫn ở nguyên tại chỗ (lồng ruột xuyên qua van), hoặc tạo nên đầu của khối lồng (lồng ruột hồi-manh tràng) -  thể này nguy cơ hoại tử rất cao vì cổ lồng và van Bauhin trở thành một vòng thắt rất chặt. 

- Lồng ruột hồi- hồi tràng hoặc đại tràng – đại tràng đơn thuần: Rất ít gặp trừ khi có nguyên nhân thực thể.

- Lồng ruột thừa vào manh tràng: Cực kỳ hiếm gặp.

- Lồng ruột phức tạp là sự kết hợp của các thể đã nêu lên

IV- TIẾN TRIỂN
Lồng ruột không được phát hiện và xử lý sẽ tiến triển nặng dần lên. Do ruột và mạc treo không cố định nên khối lồng tiếp tục tiến sâu vào dọc theo khung đại tràng. Trong các thể cổ điển khối lồng sẽ dừng lại ở phần giữa của đại tràng ngang. Hạn hữu có trường hợp qua đến đại tràng trái hoặc vào trong sigma - trực tràng. Sự thắt nghẹt của mạc treo ở vùng cổ lồng gây ra một sự thiếu máu đoạn ruột tương ứng. Lúc đầu là xuất huyết niêm mạc do ứ trệ tĩnh mạch giải thích hiện tượng đại tiện ra máu. Sau đó sự thiếu máu do tắc nghẽn động mạch sẽ đưa đến hoại tử và thủng ruột, viêm phúc mạc nhiễm độc với tỷ lệ tử vong cao. 

V- TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
1- Triệu chứng cơ năng:
- Đau bụng: Đau bụng là biểu hiện nổi bật nhất, thể hiện điển hình là: Cơn đau bụng đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, ban đêm cơn đau đánh thức trẻ dậy, trong khi ban ngày làm trẻ phải ngừng mọi hoạt động bình thường (bỏ chơi, bỏ bú), cơn đau mất đi đột ngột cũng như lúc xuất hiện, mỗi cơn đau kéo dài 5-15 phút. Sau cơn đau trẻ có thể lại tiếp tục bú hoặc chơi nhưng các triệu chứng lại tái diễn sau giây lát.

- Nôn ra thức ăn: Xuất hiện từ cơn đau đầu tiên ở hầu hết trẻ nhỏ, nôn ra dịch xanh hoặc vàng xuất hiện ở giai đoạn muộn.

- Ỉa ra máu: (chiếm 95%) đó là dấu hiệu ít nhiều đã muộn, vì vậy không nên chờ đợi để xác nhận chẩn đoán. Ỉa ra máu xuất hiện trung bình từ 6 – 8 giờ sau cơn đau đầu tiên, có thể ngay từ cơn đau đầu tiên (thường là lồng chặt, khó tháo) hoặc có thể xuất hiện muộn sau 24 giờ. Đa số các trường hợp máu lẫn chất nhầy, có thể đỏ hoặc nâu và cũng có thể có vài giọt máu tươi chảy ra hậu môn. Trong nhiều trường hợp máu chỉ được phát hiện khi thăm trực tràng bằng ngón tay.

- Đại đa số các trường hợp lồng ruột có bí trung đại tiện (vì khối lồng gây tắc hoàn toàn). Tuy nhiên đôi khi ruột không tắc hoàn toàn bệnh nhân vẫn tiếp tục đại tiện được. Đây là tình huống dễ làm cho chẩn đoán nhầm, nhất là có đến 7% số bệnh nhân bị ỉa chảy sau khi lồng ruột xuất hiện.

2- Triệu chứng thực thể:
- Sờ thấy khối lồng: Lúc bệnh nhân dịu cơn đau, bụng thường mềm, sờ thấy khối lồng thành một khối dài, di động, chắc mặt nhẵn, đau khi ấn, nằm dọc theo vị trí của khung đại tràng. Không phải bất cử trường hợp nào cũng sờ thấy khối lồng: Do khối lồng nằm núp dưới bờ sườn phải, góc gan hoặc khi khối lồng xuống thấp hơn nhưng bụng lại căng chướng do tắc ruột đến muộn. Tỷ lệ sờ thấy khối lồng từ 85-95% các trường hợp.

- Thăm trực tràng bằng ngón tay thấy có máu dính theo găng biểu hiện của xuất huyết ruột. Như lời của Mondor “nếu là lồng ruột cố tìm sẽ thấy máu ở phân”. Nhiều bệnh nhân đến muộn có thể sờ thấy đầu của khối lồng khi thăm trực tràng, có thể kết hợp sờ nắn bụng và thăm trực tràng để xác định khối lồng.

3- Triệu chứng toàn thân: 
Bệnh nhân thường mệt lả, ít hoạt động. Nhiệt độ có thể tăng cao.

4- Triệu chứng X.quang:
Chụp bụng không chuẩn bị ít có giá trị trong chẩn đoán, chỉ cho thấy một số dấu hiệu gợi ý:
- Một vùng cản quang dưới gan hoặc thượng vị tuơng ứng với vị trí khối lồng.
- Không có hơi ở hố chậu phải do manh tràng đã di chuyển.
- Các biểu hiện của tắc ruột: Mức nước, mức hơi, điển hình khi bệnh nhân đến muộn.
- Chụp x quang bụng không chuẩn bị cũng cho phép xác định có liềm hơi hay không (ruột đã thủng hoặc chưa) giúp ích cho chỉ định điều trị.
Chụp bụng bao giờ cũng có các hình ảnh đặc hiệu của lồng ruột.

Hình 4: X quang này cho thấy một tình trạng bệnh lý của ruột trong đó một quai ruột trượt lồng vào một quai khác (lồng ruột), gây nên sưng nề, giảm tưới máu, tắc nghẽn, và tổn thương mô. Lồng ruột là một tình trạng cấp cứu (tháo lồng bằng bơm barium hoặc phẫu thuật) để tánh tình trạng hoại tử, thủng ruột, viêm phúc mạc và tử vong.

Những trường hợp chống chỉ định trong chụp đại tràng có bơm Baryte
- Hội chứng viêm phúc mạc.
- Ỉa máu ào ạt.
- Có liềm hơi trên phim chụp không chuẩn bị.
- Hội chứng tắc ruột (không phải là một chống chỉ định tuyệt đối nhưng phải hết sức hận trọng khi chỉ định).
Kỹ thuật:
- Thủ thuật được tiến hành phải có mặt của phẫu thuật viên và kỹ thuật viên x quang.
- Tiền mê: Atropin với Amynazin.
- Bệnh nhân nằm ngửa chân duỗi.
- Bốc thụt đựng chất cản quang được nối liền với một cannin đặt vào hậu môn.
- Áp lực không được vượt quá 120 cm nước.
- Thuốc cản quang dừng ở đầu khối lồng sẽ cho một số hình ảnh đặc hiệu kinh điển: Hình càng cua, hình đáy chén, hình âm thoa, hình cắt cụt đại tràng.
Nên chụp 1 phim lúc bắt đầu thấy hình ảnh lồng ruột và 1 phim sau khi đã tháo lồng được.



Hình 5: Hình ảnh búi lồng trên phim chụp đại tràng có cản quang: hình ảnh choán chỗ (trái), hình ảnh đáy chén (phải)

Những năm gần đây người ta dùng phương pháp bơm khí vào đại tràng thay cho bơm Baryte. Hình ảnh của lồng ruột khi bơm khí cũng điển hình như bơm Baryte. Đây là thủ thuật an toàn, ít tốn kém.

5- Triệu chứng siêu âm.
- Từ hơn 10 năm nay, siêu âm đã được sử dụng để chẩn đoán lồng ruột.
- Khi cắt ngang: Khối lồng tạo nên một hình ảnh có đường kính trên 3 cm với vùng trung tâm tăng âm và vùng ngoại vi giảm âm.
- Khi cắt dọc: Khối lồng có hình ảnh của một bánh Sandwich.




Hình 6: Hình ảnh lồng ruột trên siêu âm

Siêu âm nên được sử dụng để chẩn đoán thay chụp đại tràng khi các biểu hiện lâm sàng không điển hình hoặc dễ kiểm tra kết quả tháo lồng. Đối với các tác giả có kinh nghiệm, siêu âm có thể cho kết quả chẩn đoán đúng 100% các trường hợp.

VI- CHẨN ĐOÁN
1- Chẩn đoán xác định
.
−Nếu đến sớm dùng phương trình Fèvre: 

Đau bụng khóc thét + sổ được búi lồng = Lồng ruột
Đau bụng khóc thét + đại tiện ra máu = Lồng ruột 
Đau bụng khóc thét + hình ảnh X quang = Lồng ruột

− Nếu đến muộn dùng phương trình Ombrédance: 
Hội chứng tắc ruột + đại tiện ra máu = Lồng ruột đến muộn 

Tuy nhiên không phải bao giờ bệnh nhi cũng có đầy đủ các triệu chứng như trên. Trong một số trường hợp chẩn đoán sẽ rất khó khăn do thiếu các triệu chứng lâm sàng cơ bản. Cần thiết phải có sự trợ giúp của các phương tiện xét nghiệm cận lâm sàng như X quang đặc biệt là siêu âm. 

2- Chẩn đoán phân biệt:
- Viêm ruột thừa cấp, viêm dạ dày cấp.
- Lỵ cấp (trẻ còn bú ít bị).
- Polip trực tràng, túi thừa Meckel, u nang túi mật.
- Phân biệt với các nguyên nhân đi ngoài ra máu khác.

VII-  ĐIỀU TRỊ
1- Tháo lồng bằng thủ thuật bơm Baryte hoặc bằng khí.
a.     Tháo ruột bằng  thủ thuật bơm không khí

Ngày nay việc tháo lồng bằng khí đang được sử dụng phổ biến thay cho tháo lồng bằng Baryte nếu không có chống chỉ định.
Ở Việt Nam tháo lồng bằng khí được tiến hành 1964 và từ 1973 tác giả Ngô Đình Mạc đã nghiên cứu có hệ thống và toàn diện. Tác giả đã sản xuất máy tháo lồng có van điều khiển áp lực nhằm đề phòng biến chứng vỡ đại tràng trong khi tháo lồng.
Tỷ lệ tháo lồng nếu bệnh nhân đến sớm trong 24 giờ đầu là 90% các trường hợp.
Các tiêu chuẩn cho biết đã tháo lồng được:

−Chỉ định 

+ Tất cả lồng ruột cấp đến sớm trước 24 giờ. 
+ Hạn chế đối với những trường hợp đến trong khoảng 24 - 48 giờ chưa có dấu tắc ruột và chưa có dấu hiệu nhiễm độc. 

−Kỹ thuật 
+ Dùng dụng cụ bơm hơi kín có theo dõi áp lực (mmHg). Có thể dùng phương pháp điều chỉnh bằng tay hoặc phương pháp điều chỉnh tự động (bằng máy tháo lồng). 
+ Áp lực bơm tối đa là 100mmHg. Trên áp lực này tai biến vỡ ruột dễ xảy ra. 
+ Trẻ phải được tiền mê tốt hoặc gây mê tĩnh mạch trong suốt quá trình tháo để tránh tai biến áp lực tăng đột ngột do trẻ vùng vẫy và rặn. 
+ Sau 3 đợt bơm đến áp lực tối đa nếu không thành công thì nên ngừng thủ thuật mà chuyển sang phẫu thuật. 

−Đánh giá kết quả: nếu tháo thành công thì: 
+ Ngay trên bàn tháo: 
• Áp lực đồng hồ tụt đột ngột. 
• Bụng bệnh nhi căng tròn đều 
• Bơm tiếp áp lực không lên hoặc lên rất chậm. 
• Xả hơi ra bụng bệnh nhi không xẹp lại. 
• Sờ bụng không còn thấy búi lồng. 
• Để kiểm tra ngay trên bàn tháo có thể đặt 1 sonde dạ dày và đầu sonde nhúng vào ly nước. Khi tháo được lồng hơi đi ngược lên đến dạ dày và sủi bọt ra ở ly. 

+ Sau khi tháo
lồng: 
• Chụp X quang hơi qua đều ở ruột non hình tổ ong. 
• Siêu âm bụng không còn hình ảnh búi lồng. 
• Cho uống than hoạt trẻ đại tiện phân đen sau 12 giờ. 
• Trẻ hết đau, chơi đùa lại, bú không nôn, đại tiện bình thường. 

-         Cần phải cảnh giác với các trường hợp lồng kép hồi-hồi-đại tràng. Tuy thuốc cản quang hoặc khí đã sang ruột non nhưng lồng hồi-hồi tràng vẫn còn.

Các biến chứng do tháo lồng bằng không khí 
+ Vỡ ruột: Do áp lực vượt cao trên mức an toàn, trẻ xuất hiện tím tái, suy hô hấp, ngừng thở do cơ hoành bị chèn ép. 

Xử trí: hô hấp hỗ trợ, tháo hơi nhanh ra khỏi phúc mạc (chọc kim lớn hoặc rạch thủng phúc mạc) chuyển mổ để xử trí thương tổn. 
+ Khó thở và trào ngược dạ dày
+ viêm phổi do hít: 
Đề phòng: hô hấp hỗ trợ, thở oxy. Đặt sonde dạ dày hút sạch thức ăn trong dạ dày trước khi tiến hành thủ thuật. 

 b. Tháo lồng bằng thủ thuật thụt tháo đại tràng (áp lực thủy tĩnh)
Phương pháp này rất thông dụng ở các nước phát triển, thường được tiến hành tại phòng X quang. Dung dịch để tháo trước đây là dung dịch baryte, tuy nhiên gần đây do có nhiều tai biến nên được thay bằng các dung dịch hoà tan dạng gastrographin. 
Trong phương pháp này thời gian tháo lồng sẽ kéo dài tốn kém bệnh nhân, ăn tia nhiều và tỷ lệ thành công thấp do không kiểm soát được áp lực. 


Hình 7: Diễn tiến của tháo lồng bằng baryte

2- Điều trị bằng phẫu thuật:
a) Chỉ định: Ở những trẻ lồng ruột đến muộn sau 48 giờ, những trường hợp tắc ruột, có dấu nhiễm độc Khi lồng ruột có chống chỉ định tháo lồng bằng khí hoặc khi đã tháo lồng bằng khí không có kết qủa hoặc biến chứng.
b) Vô cảm: Với trẻ em tốt nhất là gây mê, gạc hở Ete-oxy. Nếu tắc ruột non đến muộn nên gây mê nội khí quản.
c) Đường rạch: Hợp lý nhất là rạch đường trắng giữa trên và dưới rốn để dễ dàng kiểm tra xử lý cắt đoạn ruột khi cần.
d) Kỹ thuật tháo lồng: Khi thấy khối lồng dùng tay nắn nhẹ nhàng từ dưới lên trên, ngược chiều nhu động ruột, đẩy lùi dần khối lồng> Nếu khó khăn nên đắp huyết thanh ấm hoặc phóng bế Novocain mạc treo ruột và chờ đợi.


Hình 8: Kỹ thuật tháo lồng

- Khi phải cắt đoạn ruột do đọan ruột lồng bị hoại tử nên nối ruột ngay hay đưa ra ngoài hiệnvẫn chưa có ý kiến thống nhất.
- Nếu ổ bụng không có biểu hiện viêm phúc mạc nặng, nên nối ruột ngay bằng kỹ thuật nối tận-tận dùng chỉ liền kim, kim tròn loại 4/0 hoặc 5/0.
- Nếu ổ bụng có biểu hiện viêm phúc mạc nặng nên dẫn lưu hai đầu ruột ra ngoài theo phương pháp Mikulicz.

Tử vong sau mổ lồng ruột giảm đáng kể cùng với thời gian.Nguyên nhân tử vong sau mổ chủ yếu là viêm phổi và sốt cao co giật.


B. LỒNG RUỘT Ở TRẺ LỚN

Nếu lồng ruột ở trẻ còn bú là hình thái cấp tính, diễn biến rất nhanh thì trái lại lồng ruột ở trẻ lớn chủ yếu là hình thái bán cấp hoặc mạn tính, triệu chứng không điển hình nên dễ chẩn đoán muộn.

I- NGUYÊN NHÂN
Đa số lồng ruột ở trẻ lớn có nguyên nhân thực thể:
- Manh tràng và một phần đại tràng phải di động.
- Polyp hoặc u ruột non hoặc đại tràng.
- Túi bịt Meckel còn.

II- TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
Đau: Đau không dữ dội như ở trẻ nhỏ. Cơn đau lâm râm dễ nhầm lẫn với viêm ruột thừa hoặc viêm hạch mạc treo. Biến chứng tắc ruột và hoại tử ruột ít khi xảy ra do búi lồng thường lỏng lẻo. Siêu âm và chụp đại tràng cản quang thường giúp cho chẩn đoán xác định. 
Nôn: Hay gặp.
Ỉa máu: Tỷ lệ không cao (khác với lồng ruột ở trẻ nhỏ). (khoảng 44%).
Sờ nắn: Thấy có khổi lồng (khoảng 89%).
Nói chung: Triệu chứng đau bụng và khối lồng xuất hiện từng đợt. Bệnh nhân đau bụng có thể 1-2 ngày, sau lại hết đau, khối lồng biến mất.
Sau những khoảng thời gian khác nhau, đau bụng và khối lồng lại tái xuất hiện. Ít khi bệnh nhân có biểu hiện tắc ruột hoàn toàn.

III- CẬN LÂM SÀNG
Chụp đại tràng có bơm thuốc Baryte hoặc bơm khí cho dấu hiệu đặc hiệu của lồng ruột. Tuy nhiên đôi khi không bắt được hình ảnh lồng ruột vì khối lỏng lẻo, rất dễ bị tháo dưới áp lực trước khi kịp quan sát, do vậy siêu âm trong cơn đau có giá trị chẩn đoán cao.

IV. CHẨN ĐOÁN
Trong đa số các trường hợp lồng ruột có thể chẩn đoán được dựa vào lâm sàng (đau bụng- khối lồng). Nếu không sờ thấy khối lồng nên chụp đại tràng có bơm thuốc cản quang hoặc bơm khí hoặc siêu âm để xác định chẩn đoán.
Cần chẩn đoán phân biệt với tắc ruột do giun- một bệnh phổ biến ở nước ta: (khối lồng khi sờ được thường nhẵn và nằm dọc khung đại tràng).

V- ĐIỀU TRỊ
Lồng ruột ở trẻ lớn đa số có nguyên nhân thực thể, dễ tái phát. Vì vậy điều trị bằng phẫu thuật khi mổ phải chú ý tìm nguyên nhân và giải quyết:

- Cắt túi thừa Meckel.
- Cắt Polyp.
- Nếu manh tràng di động: Nên cắt ruột thừa và cố định manh tràng để tránh tái phát. 

C. LỒNG RUỘT HỒI – HỒI TRÀNG 
Xuất hiện dưới dạng một tắc ruột cấp tính và rất khó chẩn đoán được nguyên nhân trước mổ. Thường nhầm lẫn với xoắn ruột hoặc túi thừa Meckel. Chẩn đoán chỉ xác định được ngay trên bàn mổ. 


D. LỒNG RUỘT SAU MỔ 
Thường gặp ở đoạn hồi - hồi tràng. Các triệu chứng thường bị lu mờ do bệnh cảnh liệt ruột sinh lý sau mổ. Triệu chứng được gợi ý khoảng ngày thứ 3 hoặc thứ 4. Không có nhu động hoặc đã có rồi mất nhu động trở lại đồng thời xuất hiện nôn. X quang hình ảnh tắc ruột điển hình. Phần lớn đều được mổ với chẩn đoán “tắc ruột sớm” sau mổ. 

3 nhận xét:

  1. Nếu do nguyên nhân thứ phát thì hay gặp nhất là do nguyên nhân nào ạ. Em thử tìm ở mấy trang rồi mà không có nói :)

    Trả lờiXóa