Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

POLYP ĐẠI TRỰC TRÀNG

POLYP ĐẠI TRỰC TRÀNG

ĐẠI CƯƠNG
Polyp đại tràng thường là u lành tính phát triển từ niêm mạc của đại tràng. Hình thành do sự phì đại của biểu mô tuyến quanh một trục liên kết mạch, thường ở trực tràng và đại tràng xích ma. Chúng trông như những u nhỏ hình hạt đậu, quả dâu, quả anh đào… có cuống dài, mảnh hoặc ngắn, rộng bám vào thành đại tràng.

Có thể có 1 polyp đơn độc hoặc nhiều polyp riêng biệt nằm rải rác ở các phần khác nhau của đại tràng.

Polyp có thể xuất hiện tại nhiều vị trí trong đường tiêu hóa nhưng phổ biến nhất ở đại tràng.

Polyp đại tràng có nhiều kích thước khác nhau từ ít hơn 0,25cm đến vài cm đường kính.

Một số khối polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư. Nguy cơ thoái hóa ác tính của polyp tùy thuộc vào kích thước. Nếu có đường kính không quá 5mm thì ít nguy cơ phát triển thành ác tính, polyp đường kính trên 20mm có khả năng ung thư hóa tới 50%. Thời gian chuyển hóa ác tính của u tuyến với ổ loạn sản là 10 năm.


Ảnh1 Polyp đại tràng
YẾU TỐ NGUY CƠ

Khi tuổi cao nguy cơ mắc polyp tăng lên. Trong khi bệnh polyp khá hiếm gặp ở độ tuổi 20, có nghiên cứu ước tính rằng trung bình ở tuổi 60, ngoại trừ có yếu tố nguy cơ đặc biệt đối với khối u, thì có 25 % nguy cơ bị polyp.

Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể gì gây ra polyp đại tràng.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ có thể là một khuynh hướng hình thành polyp.

Di truyền là yếu tố thuận lợi phát triển các khối polyp đại tràng.

Yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với phát triển các khối u là khi chúng ta trên 50 tuổi. Tiền sử gia đình có polyp và ung thư đại tràng cũng làm gia tăng nguy cơ mắc polyp đại tràng. Thêm nữa, bệnh nhân có tiền sử cá nhân của các bướu thịt hoặc ung thư ruột kết cũng có nguy cơ phát triển các khối u mới. Ngoài ra, có một số polyp hoặc ung thư ở hội chứng hiếm gặp trong gia đình cũng làm tăng nguy cơ khối u xuất hiện ở lứa tuổi trẻ.

PHÂN LOẠI

Có hai loại polyp đại tràng phổ biến: polyp tăng sản và u tuyến.

Các polyp tăng sản không có nguy cơ bị ung thư. Các polyp u tuyến được cho là tiền thân cho hầu hết bệnh ung thư đại tràng, mặc dù cơ bản các u tuyến không phải bao giờ cũng trở thành ung thư.

Kiểm tra mô học dưới kính hiển vi là cách tốt nhất để phân biệt giữa polyp tăng sản và polyp tuyến, mặc dù không phải để xem các polyp u tuyến sẽ trở thành ung thư hay không. Các khối polyp lớn có nhiều khả năng trở thành ung thư và một số kích thước rất lớn (hơn 2cm) đã có thể có những vùng nhỏ bị ung thư hóa. Vì không thể chắc chắn tất cả các phần của polyp đều là lành tính, do đó các bác sĩ thường khuyên nên loại bỏ tất cả các khối polyp được tìm thấy trong quá trình nội soi đại tràng.

TRIỆU CHỨNG

Hầu hết các khối polyp đại tràng không gây triệu chứng. Trên lâm sàng, polyp đại tràng thường tiến triển thầm lặng.

Những người có polyp to có thể thấy máu trong phân, nhưng ngay cả khi đó cũng thường không có triệu chứng rõ ràng.

Có thể gây cảm giác mót đi cầu. Đôi khi polyp lòi ra ngoài hậu môn nếu ở vị trí trấp

Cách tốt nhất để phát hiện khối polyp là đi nội soi đại tràng kiểm tra ngay cả khi không có triệu chứng. Các ống nội soi trực tràng – đại tràng xích ma cứng và mềm giúp thấy được những polyp ở thấp. Đối với polyp cao có thể dùng kỹ thuật chụp khung đại tràng đối quang.

Một số kỹ thuật kiểm tra khác có sẵn: xét ​​nghiệm tìm máu trong phân, đêt tìm máu vi thể dùng thử nghiệm Hemocult, thực hiện soi đại tràng sigma để khám đoạn phần ba dưới của đại tràng, sử dụng xét nghiệm chụp X-quang có thuốc cản quang hoặc chụp CT scanner đại tràng. Nếu một trong các xét nghiệm phát hiện hoặc nghi ngờ khối u, nên nội soi đại tràng để loại bỏ chúng.
nội soi đại tràng là cách chính xác nhất để phát hiện khối polyp, nhiều chuyên gia hiện nay đề nghị nội soi đại tràng là một phương pháp sàng lọc để phát hiện bất kỳ khối polyp nào khi nghi ngờ và có thể tiến hành cắt bỏ ngay polyp trong quá trình nội soi.

ĐIỀU TRỊ

Hầu hết các khối polyp được tìm thấy trong khi nội soi đại tràng đều có thể được cắt bỏ hoàn toàn. Kĩ thuật cắt khác nhau với kích cỡ, loại polyp, đều dùng bằng phương pháp đốt điện:

- Nếu polyp có cuống dài, bác sĩ sẽ dùng thòng lọng ôm vào cuống polyp rồi cắt
     - Nếu polyp không cuống sẽ dùng kẹp, kẹp nhấc polyp lên rồi cắt điện
      - Nếu polyp không cuống, tiến hành tiêm nước muối vào chân polyp để tạo cuống rồi cắt

Niêm mạc đại tràng bị đốt cháy nông, cắt bỏ polyp không gây cảm giác khó chịu nào, bệnh nhân hầu như không có cảm giá gì trong khi bác sĩ cắt polyp qua nội soi.

Khối u cắt ra sau đó được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định loại mô và khả năng bị ung thư. Nếu polyp có kích thước lớn hoặc nhìn có vẻ bất thường, sau khi cắt sẽ được bác sĩ khuyên theo dõi kiểm tra lại bằng nội soi định kỳ.

Nếu polyp đã thoái hóa ác tính vào quá lớp cơ niêm thì phải coi như ung thư đại tràng, cần xử lý phẫu thuật như đối với ung thư.

Tỷ lệ khỏi bệnh có thể đạt đến 90% nếu được phát hiện và mổ sớm.

Cần ăn nhiều rau quả giàu chất xơ, ít chất mở, tác dụng bảo vệ, ngăng ngừa ung thư đại tràng.



Ảnh2:  cắt polyp đại trực tràng bằng thòng lọng
BIẾN CHỨNG
Cắt polyp trong khi nội soi là một thủ thuật ngoại trú, không cần nằm viện, bệnh nhân có thể về ngay sau khi cắt xong. Biến chứng có thể xảy ra bao gồm chảy máu từ chân vết cắt polyp, thủng đại tràng (hiếm gặp). Chảy máu từ chỗ cắt polyp có thể xảy ra ngay lập tức hoặc vài ngày sau cắt. Khi chảy máu có thể tiến hành cầm máu bằng cách xử lý trong quá trình nội soi đại tràng. Nếu thủng có thể cần phải phẫu thuật.

THEO DÕI
Bác sĩ sẽ quyết định khi nào nội soi đại tràng là cần thiết. Thời gian phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm số lượng và kích thước của khối polyp bị loại bỏ, loại mô của khối u của bạn.
Nếu khối polyp còn nhỏ và toàn bộ đại tràng được nhìn thấy trong khi nội soi, các bác sĩ thường khuyên bạn nên đi nội soi đại tràng 1-3 năm. Nếu nội soi đại tràng không phát hiện được polyp nào bạn có thể không cần đi nội soi trong 3 năm.
Clip: Cắt Polyp đại tràng


1 nhận xét:

  1. cho e xin nguồn tài liệu tham khảo về polyp đại tràng với!

    Trả lờiXóa